Công ty Huy Long An tạo nên "vòng lọc hoàn hảo".....
Nghe có vẻ lạ nhưng cụm từ "vòng lọc hoàn hảo" là do những chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản dùng để nói về trang trại "chuối - bò" của Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (sau đây gọi tắt là Công ty Huy Long An).
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An chia sẻ: "Trước khi ký hợp đồng mua chuối, Công ty VIENT cử người lui tới với chúng tôi đến 7 lần. Để kiểm tra độ an toàn của trái chuối, họ lấy mẫu sản phẩm, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản cả tháng trời rồi gửi qua 230 chỉ tiêu sinh lý - hóa sinh, chỉ tiêu nào cũng đạt yêu cầu. Người Nhật kỹ lưỡng như vậy nhưng tôi biết trái chuối đạt tiêu chuẩn "sạch - đẹp - ngon", tức không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, đều kích cỡ, khi chín màu vàng ươm, bùi, dẻo, ngọt vừa là xuất khẩu được".
Với cách nghĩ và làm như vậy nên công ty của ông Huy là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đưa được chuối có thương hiệu Fohla vào hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei, Aeon ở Nhật Bản từ tháng 4/2016, không chỉ ở Tokyo mà còn ở các tỉnh Niigata, Chiba... - những tỉnh có nhiều loại nông sản ngon nổi tiếng.
Tôi hỏi ông Huy, sao ông đặt thương hiệu chuối nghe lạ chẳng khác cụm từ "vòng lọc hoàn hảo", ông hóm hỉnh nói: "Chuối xuất khẩu phải lấy tên sao cho giống tên Tây, "Phôla" na ná "đôla" nên dễ đọc, dễ nhớ. Nhưng nó đơn giản là chữ viết tắt của Fruit of Huy Long An - Trái cây của Huy Long An. Fohla tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là "chiếc lá" nên logo của quả chuối có hình 2 chiếc lá".
Khi gặp Võ Quan Huy, nghe ông bàn về chuyện làm nông sản sạch, sản xuất với quy mô lớn, rất lớn, tôi không tin ông là "nông dân chánh hiệu" như nhiều người nói. Nhưng nếu là nông dân, chỉ ít thôi, làm được như ông Huy thì nền nông nghiệp Việt Nam sẽ không còn cảnh loay hoay "trồng cây gì”, "nuôi con gì” như bao năm qua, mà thay vào đó là làm thế nào để nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản để vừa phục vụ người tiêu dùng trong nước vừa xuất khẩu.
Hiện nay ông Huy quản lý gần 1.000ha đất ở Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Cà Mau, nơi thì trồng chuối, bưởi, chè, bơ, nơi thì nuôi bò, nuôi tôm. Như vậy là ông Huy đã tích lũy đất vượt quá xa so với quy định tại Nghị quyết 1126/2007/NQ-UBTVQH11 ngày 21/6/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp với mức gấp đôi hạn mức giao đất của Nhà nước, tức từ 3 lên 6ha tại các tỉnh thuộc Nam bộ và từ 2 lên 4ha tại các nơi khác đối với đất trồng cây hằng năm; từ 10 lên 20ha tại các xã đồng bằng và từ 30 lên 60ha tại các xã trung du, miền núi đối với đất trồng cây lâu năm. Nhưng "may" cho ông Huy và những nông dân "bạo gan" khác vì Nghị quyết 1126/2007 không có bất cứ một quy định nào về việc xử lý những người sử dụng đất vượt hạn điền.
|
Bò công nghiệp của Công ty Huy Long An |
Nói vậy nhưng như tâm sự của ông Huy: "Đôi lúc cũng lo vì nếu có một quy định nào đó buộc phải thu hồi đất sử dụng vượt hạn điền thì sạt nghiệp. Nhưng tôi tin Nhà nước mình đến một lúc nào đó, chắc là gần thôi, cũng phải bỏ hạn điền, bỏ quy định thời gian sử dụng đất, nhất là với những ai trực canh như tôi thì mới làm giàu được từ nông nghiệp".
Ông Huy đã có kinh nghiệm làm giàu từ những "cánh đồng mẫu lớn" cách nay 20 năm, đầu tiên là cây mía, nên năm 2015 khi trồng chuối, dù là loại cây "mới tinh" nhưng ông đã thắng vì đột phá được thị trường khó tính nhất là Nhật Bản với bước đầu khoảng nửa vạn tấn với giá bình quân theo mùa vụ trên dưới 11 USD/ thùng 13,5kg.
Huyện Đức Huệ, tỉnh Long An nằm trong "túi phèn" Đồng Tháp Mười nên đất đai chỉ thích hợp với cây tràm gió và năn lác. Muốn trồng được chuối phải lên luống cao để lợi dụng mùa mưa xả phèn và tốn rất nhiều phân, tốn rất nhiều nước trong mùa khô. Vì thế mà để chuẩn bị trồng khoảng 200ha chuối chỉ riêng ở xã Mỹ Bình, ông Huy đã nhập 4.000 con bò Úc.
Nuôi bò công nghiệp kết hợp trồng chuối công nghiệp, ông Huy đã tạo ra một quy trình khép kín: Những dãy chuồng bò dài hàng trăm mét được phun một loại vi sinh chuyên phân hủy phân bò và làm triệt tiêu mùi hôi, phân bò ấy được phơi, ủ với một loại vi sinh đặc chủng khác rồi bón cho cây chuối, cây chuối sau khi thu hoạch buồng được chế biến thành thức ăn cho bò, tức phụ phẩm nông nghiệp không bỏ phí thứ gì, không làm ô nhiễm môi trường, tất cả trở lại vòng quay làm ra nông sản sạch. Vì thế mà những chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản khen ngợi Công ty Huy Long An đã tạo nên "vòng lọc hoàn hảo".
|
Chuối của nông dân Đồng Nai không bán được |
Ông Huy cho biết, người tiêu dùng Nhật Bản đã "mê" quả chuối Fohla nên Công ty sẽ mở rộng diện tích, có thể vài ngàn hécta.
Tôi hỏi ông có e ngại bị dội hàng như đang xảy ra với quả chuối Đồng Nai, ông nói:
"Trung Quốc, Hàn Quốc đang nhập chuối của Huy Long An, thị trường Trung Đông, Đông Âu cũng không khó để quả chuối Fohla có mặt trong các siêu thị. Chuối của tôi không đủ theo yêu cầu của một số doanh nghiệp nhập sỉ của nước ngoài, bởi mỗi năm thế giới cần đến 17 triệu tấn chuối, cao lắm Fohla chiếm 0,5%. Theo tôi biết thì hàng ngàn hécta chuối trồng nhỏ lẻ ở Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang đang cần bán gấp, một số đã chín rục trong vườn. Có người nói thương lái Trung Quốc ngưng mua nên mới có tình trạng ấy, thậm chí cho đó là âm mưu phá hoại kinh tế. Tôi thì không nghĩ vậy, tại do nông dân mình trồng trọt theo kiểu "lướt sóng" như chơi chứng khoán hay đầu cơ bất động sản, may rủi do thị trường quyết định. Chính ngành nông nghiệp Việt Nam đã tự chọn cách "được mùa mất giá" do trồng không đúng lịch "ăn hàng" của nhiều nước nhập khẩu. Đồng Nai là vựa chuối của cả nước do khí hậu và đất đai thích hợp, có nhiều giống chuối ngon nhưng nông dân vẫn trồng theo phong trào. Mùa đông năm 2015, 90% lãnh thổ Trung Quốc băng giá, mà 7oC chuối đã cháy lạnh nên giá chuối tăng vọt cho đến gần cuối năm ngoái. 3 tháng qua, Trung Quốc lại được mùa chuối, giá rẻ hơn chuối Việt Nam nên thương lái không mua qua đường tiểu ngạch nữa, chuối Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang ứ là phải".
Tôi kể với ông Huy mình vừa đến Đồng Nai, thấy chính quyền tỉnh đang tìm cách "giải cứu quả chuối" cho nông dân, chủ yếu là chuối già hương, nhưng e không mấy hiệu quả, vì khoảng 17.000 tấn chuối không dễ ngày một ngày hai tiêu thụ hết, ông Huy ngồi tư lự. Với một người dày dạn thương trường nông sản chắc là ông Huy đang nghĩ, nếu "tiến lên sản xuất lớn", chỉ cần trồng 15.000ha chuối với những loại giống chọn lọc và xử lý trái chuối đúng quy cách xuất khẩu thì Việt Nam đã là một trong những "vương quốc chuối" của thế giới.
Tiếc rằng đến nay, trái chuối cũng như hạt gạo, nhiều thì có nhiều nhưng chưa nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.